Skip to content

Khởi nguồn của tiểu thuyết mà không phải ai cũng biết

    tieu-thuyet-la-gi-f

    Vì là một người mê đọc tiểu thuyết nên tôi nghĩ mình cần tự bồi đắp kiến thức về lĩnh vực này. Đây cũng là lý do những bài viết tổng hợp hiểu biết về dòng văn học này bắt đầu xuất hiện trên blog của tôi từ thời điểm này. Giờ thì chúng ta hãy cùng bắt đầu từ thắc mắc cơ bản nhất: tiểu thuyết là gì?

    Cảnh báo: đây là một bài viết siêu dài. Nếu bạn đang vội, hãy lưu lại bài viết này và quay lại vào lúc rảnh để tránh bị choáng trước lượng thông tin trong bài nhé.

    Tiểu thuyết là gì?

    Theo Wikipedia Tiếng Việt, tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

    Trong văn học phương Đông, danh từ tiểu thuyết xuất hiện khá sớm nhằm phân biệt với hai thể loại cơ bản khác là đại thuyết và trung thuyết. Đại thuyết là kinh sách của các thánh nhân viết như Kinh Thư, Kinh Thi của Khổng Tử, đó là loại sách mang nặng tính triết học, gần như chân lý, kiểu khuôn vàng thước ngọc và rất khó đọc. Trung thuyết do các hiền sư, sử gia thực hiện như Sử ký của Tư Mã Thiên. Còn tiểu thuyết, vốn chỉ những chuyện vụn vặt, đời thường. Những chuyện ấy cùng với cổ tích, ngụ ngôn là những mầm mống của tiểu thuyết phương Đông. Thuỷ Hử và Hồng Lâu Mộng là một trong những số đó.

    Theo quan niệm trước đây, đặc biệt là quan niệm của Trung Quốc và Nhật Bản, tiểu thuyết bao gồm có hai loại chính là tiểu thuyết đoản thiên hay truyện ngắn, thậm chí là “vi hình tiểu thuyết” (truyện cực ngắn, truyện siêu ngắn) hay “truyện trong lòng bàn tay” và tiểu thuyết trường thiên (truyện dài). Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam, khi nói đến tiểu thuyết, độc giả thường hiểu đó là tác phẩm truyện dài.

    Ở một số ngôn ngữ phương Tây, từ novel (tiểu thuyết) có nguồn gốc từ tiếng Latinh, mang nghĩa chuyện mới.

    Theo từ điển Oxford Languages tiểu thuyết (novel) là một câu chuyện văn xuôi hư cấu có độ dài như một cuốn sách, thường đại diện cho nhân vật và hành động ở một mức độ nào đó của chủ nghĩa hiện thực.

    Quá trình biến đổi của chữ novel được mô phỏng qua đoạn quá trình bên dưới:

    tieu-thuyet-la-gi-1

    Song song với tiến trình này, văn học hiện đại thế giới cũng cho thấy những nguyên lý của tiểu thuyết chi phối hầu hết các tác phẩm tự sự khác nên sự phân biệt bản chất thể loại ở các truyện cụ thể trở nên ngày càng khó khăn.

    Lịch sử của tiểu thuyết

    Châu Á

    Ở Trung Quốc tiểu thuyết xuất hiện rất sớm. Thời kỳ Ngụy – Tấn (thế kỷ III-IV) tiểu thuyết đã manh nha dưới dạng những tác phẩm chí quái (truyện ma), chí nhân (truyện về danh nhân). Sang đời nhà Đường xuất hiện thể loại truyền kỳ, đời Tống lại có thêm dạng thoại bản, tất cả đều có thể coi là tiền thân của tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại.

    Từ đời Minh văn học Trung Quốc nói chung và văn xuôi Trung Quốc nói riêng phát triển rực rỡ với những pho tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng như Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử của Thi Nại Am, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Kim Bình Mai của Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh,… Đời Thanh bước phát triển của tiểu thuyết chương hồi đã tới thời điểm hoàng kim qua hàng loạt danh tác như Chuyện Làng Nho (Nho Lâm Ngoại Sử) của Ngô Kính Tử, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Thời hiện đại tiểu thuyết Trung Quốc vượt khỏi những thể loại truyền thống, chịu ảnh hưởng lớn từ các trào lưu văn học phương Tây đương thời với sáng tác của các tác gia như Lỗ Tấn, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn,…

    tieu-thuyet-la-gi-2
    Tam Quốc Diễn Nghĩa
    Nguồn Ảnh

    Tại Nhật Bản, vượt qua sử ký, tùy bút và nhật ký, hình thức sơ khai của tiểu thuyết đã xuất hiện từ những thế kỷ thứ VI – VIII. Ban đầu chúng là sự tập hợp thành chương những bài ca, truyện kể do các pháp sư mù gảy đàn biwa lưu truyền khắp đảo quốc. Cùng với những sáng tạo khởi đầu là Taketori Monogatari (truyện Ông Lão Đốn Tre hay Nàng Tiên Trong Ống Trúc), tiểu thuyết Nhật Bản, mà hình thức của thể loại được gọi bằng tên monogatari, đi được một nửa chặng đường đến Ise monogatari và đạt đỉnh cao với Truyện Kể Genji. Truyện kể Genji trở thành ngôi sao băng chói sáng của văn chương cổ điển Nhật Bản, được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, mà rất nhiều thế kỷ về sau với Sagoromo monogatari, Yowa no nezame, Hamamatsu Chūnagon monogatari, Torikaebaya monogatari, văn học Nhật Bản vẫn không thể sản sinh được một tác phẩm tự sự nào có được vị trí và giá trị của nó.

    (Nếu bạn là một tín đồ của manga Nhật thì chắc chắn sẽ không lạ lẫm gì với tác phẩm này. Thậm chí có những bộ manga được tác giả sáng tác dựa trên cảm hứng từ Truyện Kể Genji.)

    Từ thế kỷ XIX khi xã hội Nhật Bản không ngừng hướng theo mô hình phương Tây. Những tác phẩm nổi tiếng của thể loại tiểu thuyết phương Tây đương thời được dịch thuật hoặc phóng tác tràn lan trong thời Minh Trị đã phát triển tiểu thuyết Nhật Bản theo những khuynh hướng sáng tác hiện đại. Cuối thời Minh Trị, những tiểu thuyết tiền-hiện đại đầu tiên có dạng thức tự thuật xuất hiện, còn gọi là “tâm cảnh tiểu thuyết”.

    Việt Nam

    Ở Việt Nam tiểu thuyết xuất hiện khá muộn, những sáng tác văn xuôi cổ như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái, Thánh Tông Di Thảo, Truyền Kỳ Mạn Lục, Truyền Kỳ Tân Phả thế kỷ XIV-XVI đã đặt nền móng sơ khai cho tư duy thể loại. Các tác phẩm thông qua tiến trình từ sự ghi chép các yếu tố truyền thuyết, thần thoại, cổ tích rồi chuyển đến giai đoạn phản ánh những chuyện đời thường.

    Thế kỷ XVIII cho thấy sự nở rộ thể loại tự sự với các tác phẩm như Thượng Kinh Ký Sự (ký) của Lê Hữu Trác, Vũ Trung Tùy Bút (tùy bút) của Phạm Đình Hổ và đặc biệt là Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tác phẩm xuất hiện với tầm vóc tiểu thuyết, là pho tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam có giá trị văn học đặc sắc.

    Hoàng Lê Nhất Thống Chí tái hiện một cách sống động bức tranh xã hội rộng lớn thời vua Lê, chúa Trịnh thông qua kết cấu chương hồi tương tự tiểu thuyết thời Minh – Thanh tại Trung Hoa. Yếu tố đời tư và mạch tự sự trong các truyện Nôm khuyết danh và hữu danh đương thời như Hoa Tiên, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa và Truyện Kiều cũng ít nhiều góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể loại.

    tieu-thuyet-la-gi-3
    Hoàng Lê Nhất Thống Chí

    Tuy nhiên, phải đến những năm 30 của thế kỷ XX văn học Việt Nam mới xuất hiện tiểu thuyết với đầy đủ tính chất của thể loại hiện đại. Cùng phong trào Thơ Mới, tiểu thuyết hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 có những bước tiến vượt bậc và thành tựu lớn. Hai khuynh hướng sáng tác trong gia đoạn này gồm: những cây bút nổi tiếng của Tự Lực văn đoàn – những người đã thúc đẩy sự hình thành thể loại như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam; và những nhà văn hiện thực phê phán như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng

    Trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc (chống Pháp và chống Mỹ), đội ngũ các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã ngày càng đông đảo (Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc). Ít nhiều tiểu thuyết Việt Nam có thành tựu tiệm cận với thể loại tiểu thuyết – sử thi vốn mang đề tài hoành tráng và dung lượng đồ sộ, mà một trong số đó là Vỡ Bờ của Nguyễn Đình Thi. Sau 1986, lịch sử tiểu thuyết Việt Nam sang trang mới với những sáng tác của Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. Nội dung tiểu thuyết đã đi sâu hơn về thân phận con người và manh nha có dấu hiệu của hệ hình văn chương hậu hiện đại.

    Phương Tây

    Ở phương Tây, tiểu thuyết nảy mầm từ các tác phẩm tự sự viết bằng tiếng Roman. Thể loại thường là về các anh hùng – những kị sĩ đã trải qua các biến cố và tình huống phi thường. Tuy nhiên, nhìn nguồn gốc của thể loại, các nhà nghiên cứu có thể truy nguyên về tận thời Hi Lạp, khi bên cạnh những tác phẩm trường ca cổ đại với cảm hứng về cái chung và cái anh hùng là chủ đạo, vẫn có những tác phẩm lấy cảm hứng từ con người riêng lẻ. Trên nền móng của hình thái tư duy khám phá những vấn đề bản chất của hiện thực thông qua sự tái hiện số phận cá nhân đã có từ thời Hy Lạp, những thể loại văn chương thời trung đại châu Âu đã xuất hiện theo thể loại hiệp sĩ, như Tristan và Iseult.

    Thời kỳ Phục Hưng đã tạo cơ sở thuận tiện nhất cho sự phát triển tiểu thuyết: chất tiểu thuyết bộc lộ trong các tác phẩm thể truyện như của Giovanni Boccaccio, thể trường ca của Matteo Maria Boiardo, Ludovico Ariosto, Torquato Tasso và thể kịch với William Shakespeare. Nhưng tiểu thuyết đích thực gắn với những tìm tòi tư tưởng triết lý chỉ xuất hiện vào cuối thời đại Phục Hưng với Don Quixote.

    Sau thời Phục Hưng, khi văn học tao nhã là chủ đạo, thì xu hướng phát triển tiểu thuyết chỉ bộc lộ rõ trong các sáng tác thuộc loại tiểu thuyết du đãng khai thác các đặc điểm trào phúng, sự hư cấu tự do, vai trò của kinh nghiệm cá nhân tác giả trong sáng tạo nghệ thuật (các tác phẩm của François Rabelais, Desiderius Erasmus, Michel de Montaigne Jean Henri Merle D’Aubigné,… ), và tiểu thuyết tâm lý đầu tiên với sáng tác của nữ tác giả Pháp Madame de La Fayette.

    tieu-thuyet-la-gi-4
    Một tác phẩm của Madame de La Fayatte

    Sang thời đại Khai sáng và thời cận đại, từ thế kỷ XVIII, tiểu thuyết đã đi một chặng đường dài với sự hình thành các kết cấu chính. Truyện hiệp sĩ Des Grieux và nàng Mannon Lescault (1731) của Abbé Prévost kết hợp hai thể tài (hình thức viết văn) tâm lý và du đãng. Samuel Richardson với Clarisse Harlow (1747), Jean Jacques Rousseau với Julie hay nàng Héloïse mới (1761) đưa ra những mẫu mực của tiểu thuyết tình cảm đồng thời củng cố vai trò chủ đạo của tiểu thuyết luận đề. Henry Fielding, Tobias Smollett đã đóng góp cho sự hình thành nguyên tắc điển hình hóa của tiểu thuyết hiện thực, làm tiền đề cho sự nở rộ tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện thực phát triển mạnh giai đoạn sau đó với Honoré de Balzac, Émile Zola, Stendhal, Gustave Flaubert, Charles Dickens, William Makepeace Thackeray (tiểu thuyết toàn cảnh, tiểu thuyết hướng tâm). Tiểu thuyết sử thi của Lev Tolstoy với sự trần thuật đạt được chiều rộng và tính bao quát, sự mô tả đời sống nội tâm nhân vật như một quá trình tâm lý nội tại lần đầu tiên cho phép tiểu thuyết tái hiện được “biện chứng của tâm hồn”. Tiểu thuyết đối thoại của Fyodor Dostoevsky với con người đời tư được đặt trong tương quan với cả thế giới.

    Thế kỷ XX tiểu thuyết phương Tây phát triển trong sự đa dạng đối nghịch nhau về nhiều mặt. Bên cạnh những thành tựu của tiểu thuyết hiện thực với khuynh hướng hiện thực phê phán hoặc khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, hướng sáng tác mới của Marcel Proust, James Joyce, Franz Kafka lại cho thấy một loạt các nguyên tắc tiểu thuyết vốn đã thành truyền thống trước kia bị biến đổi.

    Ví dụ: độc thoại nội tâm bao trùm tác phẩm như một thủ pháp của tiểu thuyết dòng ý thức; sự xáo trộn liên tục các bình diện thời gian và không gian, các mảng đời sống hiện thực hòa quyện cùng huyền thoại, xuất hiện người kể chuyện không toàn năng khi trong lời kể có cả cái biết và cái không biết, cái khách quan lẫn chủ quan. Các vấn đề về “ngôi” và “thời” của lời trần thuật và các “điểm nhìn” trần thuật trở thành chìa khóa cho việc đọc tiểu thuyết theo khuynh hướng phức điệu, đa thanh. Bên cạnh đó, các trào lưu tư tưởng đương thời như hiện tượng học, thuyết phi lý, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, hậu hiện đại, phê bình nữ quyền, hậu thực dân cũng góp phần tạo ra những dạng thức như phản tiểu thuyết, tiểu thuyết mới, hoặc làm nảy sinh tư tưởng về nhân vật biến mất, hoặc tiểu thuyết cáo chung (tiểu thuyết thường về một chế độ xã hội đã kết liễu, suy tàn).

    Kết

    Qua bài viết này, tôi hy vọng bạn có thể tìm được đáp án cho câu hỏi tiểu thuyết là gì. Dù xuất hiện sớm hay muộn, mỗi khu vực, quốc gia đều có những tác phẩm tiểu thuyết với nét đặc trưng văn hóa và độc đáo riêng. Thật thú vị khi chúng ta có thể nhìn thấy sự nở rộ của tiểu thuyết trong thời hiện đại với đa dạng nội dung. Đừng ngần ngại chia sẻ cùng tôi suy nghĩ và niềm yêu thích của bạn với thể loại này nhé.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    You cannot copy content of this page